Pages

Đi Bảy Núi thưởng thức bọ rầy!

Đối với những người chưa biết loài bọ rầy khi mới thấy qua đã lợm giọng. Thế nhưng, đối với người dân vùng Bảy Núi-An Giang, bọ rầy được xem là món ăn “độc chiêu” và trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều quán nhậu. Cứ vào mùa mưa, bọ rầy được bạn hàng bày bán nhiều ở các chợ nông thôn vùng Bảy Núi.

Đặc biệt là vào các buổi chợ sáng khi trời còn lờ mờ sương đã thấy dân nghèo lỉnh kỉnh xách rọng bọ rầy đếm lại cho bạn hàng. Vài năm gần đây, loài bọ rầy không còn là món ăn xa lạ với cư dân xứ này.

Đặt 2 chiếc rọng bọ rầy đầy ắp bắt được từ tối hôm qua xuống đất, thấy tôi trợn tròn mắt nhìn, ông Chau Sóc Rươnl ở xã An Phú cười sặc sụa: “Hổm rài, vùng Bảy Núi xuất hiện lác đác vài cơn mưa đầu mùa, cây rừng đâm chồi, nảy lộc xanh tốt nên bọ rầy sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Bọ rầy sống lẩn khuất trên những chồi lá xoài, điều, mít… để ăn đọt non. Con nào con nấy mập mạp ú nu nên được nhiều bạn hàng thu mua nườm nượp. Mặc dù thấy nó xấu xí nhưng ăn là ghiền!”.

Ông Chau Sóc Rươnl cho biết thêm, một đêm ông cùng đứa con lội sang vùng núi Ô Tà Bang hoặc len lỏi vào các khu vườn xoài, vườn điều của người dân, bắt được khoảng 4 thiên bọ rầy (1 thiên = 1.000 con) đếm lại với giá 60.000 đồng/thiên, kiếm cũng được trên 200.000 đồng.

“Bọ rầy được dân nghèo tụi tôi xem như là chiếc cần câu cơm hằng ngày. Cách bắt bọ rầy cũng dễ như bắt ve sầu. Ban đêm từ 9- 10 giờ khuya là thời điểm thích hợp để bắt bọ rầy, bởi lúc này loài côn trùng xuất hiện nhiều để cắn phá vườn tượt.

Chỉ cần dùng chiếc đèn bình rọi thẳng lên cây, thấy ánh sáng là bọ rầy bắt đầu xuất hiện và bay quanh quẩn ánh đèn. Khi lượn khoảng vài vòng, bọ rầy mệt rớt xuống đất ngay ánh đèn, mình chỉ cần bỏ công lượm từng con bỏ vào rọng. Một đêm chịu siêng chút xíu, bắt ít nhất từ 4-5 thiên”- ông Rươnl chia sẻ.

Về chợ Nhà Bàng, gặp chị Trần Thị Thu đang bày một thau bọ rầy đon đả mời chào với giá 65.000 đồng/thiên, vậy mà chỉ trong nháy mắt người qua lại đã mua sạch. Chị nói, năm ngoái bọ rầy chỉ với giá 40.000 đồng/thiên, nhưng năm nay, người dân biết chế biến món ăn này thay cho thịt, cá nên giá có tăng.

Mỗi ngày chị Thu bán khoảng 10 thiên mà vẫn không đủ bọ rầy để cung ứng. Hốt một bụm bọ rầy đếm cho khách, chị Thu khoe: “Mấy năm đầu tiên, tôi bày bán bọ rầy, nhiều bà nội trợ đi ngang gặp, họ rất sợ. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, món ăn từ bọ rầy được truyền tai nhau nên phổ biến rộng rãi hơn. Hiện nay, món bọ rầy không chỉ dành riêng cho dân nhà nghèo mà còn trở thành món khoái khẩu trong nhà hàng, quán nhậu. Thấy nó xấu xí vậy chứ khi đem chế biến ăn ngon đáo để…”.

Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Loại côn trùng này ngày nay được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn. Cách chế biến món ăn từ bọ rầy cũng dễ.

Khi mới đem bọ rầy về, công đoạn đầu tiên là phải ngắt bỏ cánh cứng. Sau đó, móc bỏ phần đít, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Bước tiếp theo để bọ rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào.

Muốn cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, cải xà lách chấm với tương ớt, muối ớt chanh, ngon khó tả.
Anh Nguyễn Nhậm, Bí thư Chi bộ ấp Phú Nhứt, xã An Phú cho biết: “Món bù rầy chiên giòn đã chễm chệ trong thực đơn của nhiều nhà hàng tại vùng Bảy Núi. Thậm chí bọ rầy còn được bạn hàng thu mua từ Campuchia về mới đủ cung cấp…”.
TTAG (Theo An Giang Online)

Thay đổi vé tham quan di sản thế giới Đại Nội

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa thay đổi loại vé tham quan Đại Nội từ ngày 16/4 vừa qua, nhằm kết hợp thêm tuyến du lịch trong lịch trình tham quan Đại Nội được phong phú, hấp dẫn.

Theo đó, để tránh việc bất tiện sử dụng nhiều loại vé cùng một lúc, đồng thời tạo điều kiện cho các đoàn khách du lịch mở rộng thêm phạm vi tìm hiểu khu vực Hoàng Cung Huế và trải nghiệm các hoạt động mới phục vụ du khách, Trung tâm BTDT CĐ Huế đã áp dụng duy nhất 1 loại vé tham quan tại khu vực Đại Nội với tên gọi mới: “Vé tham quan Hoàng cung (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế)”.  
Giá vé là 105.000 đồng/người/lượt cho khách nước ngoài và 75.000 đồng/người/lượt cho khách Việt Nam. Các trẻ em từ 7 đến 12 tuổi (kể cả trẻ em nước ngoài và trẻ em Việt Nam) được miễn vé tham quan. 
Với Vé tham quan Hoàng Cung, du khách sẽ được thăm toàn bộ khu Đại Nội và Bảo tàng CVCĐ, đồng thời được thưởng thức thêm một số dịch vụ mới miễn phí như: Lễ Đổi gác tại Ngọ Môn, biểu diễn Tiểu nhạc tại điện Thái Hòa, biểu diễn Đại nhạc tại Thế Miếu (tổ chức phục vụ vụ du khách vào đầu tháng 4/2013), biểu diễn Ca Huế tại cung Trường Sanh (chính thức tổ chức vào ngày 30/4/2013); các thú tiêu khiển cung đình (các trò chơi Thả thơ, Đố thơ, Bài vụ, Xăm hường) tại cung Diên Thọ (dự kiến tổ chức vào quý I/2014)…


Mẫu vé mới tham quan Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Đặc biệt, Trung tâm sẽ có xe điện chuyên chở khách miễn phí từ cổng Hiển Nhơn (lối ra của Đại Nội) đến Bảo tàng CVCĐ Huế (thời gian hỗ trợ miễn phí dịch vụ xe điện đến hết năm 2013).
Trước đây, Trung tâm có các loại vé sau: Vé tham quan Đại Nội (người lớn, khách nước ngoài: 80.000đồng/người/lượt; khách Việt Nam: 55.000 đồng/người/lượt, Trẻ em nước ngoài từ 7 đến 12 tuổi: 20.000đồng/người/lượt; trẻ em Việt Nam: 10.000đ/người/lượt). Vé tham quan Bảo tàng CVCĐ Huế (người lớn: khách nước ngoài: 40.000đồng/người/lượt; khách Việt Nam: 30.000 đồng/người/lượt.
Vì Bảo tàng CVCĐ Huế là một điểm đến với nhiều thú vị, vì đang lưu giữ nhiều cổ vật cung đình độc đáo nhưng khách lại ít tham quan. Nên việc áp dụng 1 lúc 2 điểm tham quan trong cùng một loại vé sẽ tăng thêm lượng khách cho bảo tàng cũng như giới thiệu cho khách hiểu sâu thêm về văn hóa cung đình Huế, và tính ra tổng giá vé 2 điểm thấp hơn mua vé 2 điểm riêng rẽ như trước đây.
Nguồn theo: Dân trí

 

Đà Lạt - chốn bồng lai trong sương

Từ tháng 3, mỗi buổi sáng thành phố trên cao nguyên Lâm Viên lại được phủ bởi màn sương trắng. Nhìn từ các đỉnh núi cao, sương và mây đã góp phần làm cho Đà Lạt như "bồng lai tiên cảnh".


Ở độ cao 1500 m, Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm ngay cả mùa hè và lợi thế này luôn làm cho thành phố khô hơn so với những vùng khác. Những cơn mưa đầu mùa đã đem lại độ ẩm để tạo nên những dải sương mù ven hồ Xuân Hương, rừng thông và những ngọn núi. Mờ sáng, ánh ban mai huyền ảo đã tạo nên một Đà Lạt rất khác trong sương.

Không chỉ đứng trên cao, ngay Hồ Xuân Hương du khách cũng có thể nhìn thấy màn sương bao phủ.

Sương đọng trắng trên cỏ, ngay cả khoảng cách gần cũng khó để nhìn thấy.

Người dân lao động trong sương sớm.

Theo nhiều người dân Đà Lạt, sương sớm xuống đậm nhất trong tháng 4 và sẽ kéo dài tới tháng 5.

Nhìn từ trên cao, sương là chất xúc tác để núi, hồ và thành phố hòa vào nhau.

Trên các đỉnh núi cao, sương và mây cũng góp phần làm cho Đà Lạt như "bồng lai tiên cảnh".

Mái chùa ấn hiện trong sương và mây.

Khi mặt trời lên, chiếu qua các rặng cây, màn sương vẫn còn dày đặc.

Thành phố vẫn ngủ quên dưới sương dù mặt trời đã lên cao.

Sương xuống thu hút nhiều tay máy lên Đà Lạt "săn" ảnh. Từ mờ sáng, trong cái lạnh, nhưng du khách này đã đi lên đồi, chọn các điểm cao để tìm những khoảnh khắc trong mùa sương giăng.
Nguồn theo: VnExpress

 

Du khách nước nào trung thực nhất thế giới

Du khách Brazil trung thực nhất Nam Mỹ, người Hongkong đứng đầu châu Á, người Canada ít trộm đồ nhất Bắc Mỹ. Trong khi du khách Mỹ và Trung Quốc cùng được xếp trong nhóm từng 'chôm chỉa' đồ.

Nghiên cứu mới đây về mức độ "chôm chỉa" của khách du lịch khi ở khách sạn cho thấy, du khách Đan Mạch ít khi lấy trộm đồ, trong khi khách Colombia thường xuyên mang nhầm đồ khách sạn về nhà.


Đồ dùng được sử dụng cho khách sạn. Ảnh: CNN
"Bạn có phải là một du khách trung thực? Bạn trung thực đến mức nào khi trả lời câu hỏi này?" là hai câu hỏi mở đầu cho cuộc thăm dò gần đây do một trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn hàng đầu thế giới thực hiện.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 8.600 du khách đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Du khách Brazil được coi là những người trung thực nhất khu vực Nam Mỹ, người Hongkong đứng đầu bảng xếp hạng của khu vực châu Á và người Canada (ở Quebec) trung thực nhất ở khu vực Bắc Mỹ. Mỹ và Trung Quốc cùng được xếp trong nhóm có du khách từng 'chôm chỉa' đồ.

Theo cuộc khảo sát, những vật dụng phổ biến thường bị du khách 'cầm nhầm' nhất là tạp chí và sách. Số khác lại thích đồ vải lanh và khăn tắm trong khi du khách Trung Quốc lại thích đồ nội thất như đèn, đồng hồ và tác phẩm nghệ thuật.
10 quốc gia và vùng lãnh thổ có khách du lịch trung thực nhất thế giới
(Tỷ lệ phần trăm để biểu thị số người chưa từng lấy nhầm đồ dùng khách sạn)
1. Đan Mạch (88%)
2. Hà Lan (85%)
3. Na Uy (84%)
4. Brazil (81%)
5. Canada (Quebec) 81%
6. Hongkong (81%)
7. Italy (80%)
8. Nga (79%)
9. Đài Loan 78%
10. Thái Lan (78%)
Nguồn theo: VnExpress

 

Đi ăn món sữa chua mít cho ngày nắng ấm ở Hà Nội

hêm một khúc biến tấu về sữa chua rất lạ tại Hà Nội, mời các bạn cùng thưởng thức.
Được biết trên phố Bà Triệu có tới 2 cửa hàng bán sữa chua mít và các loại chè mít, nhưng theo tìm hiểu của chúng tớ thì chè Hoàng Anh ở địa chỉ 22 Bà Triệu mới đúng chuẩn là nơi mà món sữa chua mít lạ miệng này “khai sinh”.
Quán chè Hoàng Anh nằm trên phố Bà Triệu (gần ngã tư Hàng Khay rẽ xuống). Đây là một quán có diện tích khá khiêm tốn, xinh xắn chỉ với một tủ kính đơn giản. Thế nhưng nói về mật độ khách thì chè Hoàng Anh lại là một đối thủ “đáng gờm” với không ít cửa hàng.
 
 
Quán lúc nào cũng đông kín khách ngồi ăn uống, trò chuyện rôm rả. Khách tới nườm nượp đến nỗi chị chủ cửa hàng vừa phải “cơi nới” thêm một phòng nhỏ ở trên gác nữa (theo lối vào ngõ). Ở đây có đa dạng các món chủ yếu chế biến từ sữa chua như: chè sữa chua, sữa chua hoa quả, sữa chua trân châu thạch, sữa chua nếp cẩm, đặc biệt là sữa chua mít trân châu thạch.
Cái thu hút chúng tớ ở chè Hoàng Anh chính là khi “tăm tia” tình hình khách hàng, rất dễ nhận thấy không ít trường hợp “số bát nhiều hơn số người”.
 
 
 “Món tủ” của chè Hoàng Anh có lẽ là sữa chua mít trân châu thạch. Ngay từ công đoạn chuẩn bị món này đã rất “vui mắt” rồi. Lần lượt các loại nguyên liệu thạch, trân châu các loại, sữa đặc, mít và nước cốt dừa. Màu xanh của thạch, trân châu làm từ nước lá dứa, màu vàng của mít, màu trắng của sữa chua và nước cốt dừa tạo thành một bát mít thập cẩm cực “gợi cảm”, sẽ khiến bạn “nhấp nhổm” không yên đấy.

 
Theo như chị chủ cửa hàng thì chè Hoàng Anh là nơi đầu tiên nghĩ ra và bán các loại chè mít như thế này nên hương vị của “người tiên phong” bao giờ cũng có nét đặc biệt riêng. Không biết kinh nghiệm 5 năm trong nghề đã được gọi là gia truyền chưa nhưng một bát mít sữa chua trân châu thạch ở đây ngon cả về “chất” lẫn “lượng”.
Cứ ngỡ với từng ấy nguyên liệu thì một bát chè ở đây phải ngọt lắm nhưng món ăn lại rất thanh và mát, phảng phất vị chua và thơm dịu đặc trưng của những miếng mít nhỏ xinh. Thạch rau câu và trân châu thì thơm thoang thoảng mùi nho. Từng viên trân châu lại có nhân là nho khô ở chính giữa. Trân châu nhân sôcôla thì lại là một bất ngờ trong bát chè.
Tất tần tật các nguyên liệu thạch rau câu, trân châu đều do tự tay chị chủ cửa hàng và nhân viên thực hiện từ A tới Z. Bí quyết là gì thì chị chủ xin phép được giấu nhưng “thành quả” đúng là không chê vào đâu được. Thạch và trân châu mềm và dai vừa phải, ăn vào cứ như tan dần trong miệng, rất “đúng gu” với độ dai và giòn của mít.
Đã thế bát chè mít còn được “điểm” thêm vị chua chua của nho khô, mùi thơm quen thuộc của sôcôla có trong từng viên trân châu nữa chứ.
 
 
Ngoài “món tủ” là mít sữa chua trân châu thạch ra thì bạn cũng nên thử sữa chua mít nếp cẩm hay chè mít đậu xanh nữa.
 
Nếu như bạn còn lăn tăn về vấn đề vệ sinh của cửa hàng thì xin bật mí là những món chè Hoàng Anh bán cũng là những món khoái khẩu của chị chủ và cả gia đình nữa. Vì thế ngoài phục vụ khách, chị ý còn phục vụ luôn cả người nhà đấy! Thạch và trân châu của chè Hoàng Anh “tự cung tự cấp” hoàn toàn nên rõ ràng là phải khác với các loại bán sẵn tràn lan, sữa chua và sirô ở đây cũng là những loại có nhãn mác đàng hoàng nhé!
Tóm lại theo như lời chị chủ cửa hàng thì “cái gì mình ăn được thì khách mới ăn được”. Có vẻ như 17.000 đồng một bát chè thì chúng mình vẫn “lời” quá thì phải.
Nguồn theo: www.afamily.vn

Hàng nghìn người dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương

7h sáng lễ rước kiệu và dâng hương mới diễn ra nhưng hàng nghìn người dân đã ngồi hai bên đường từ rất sớm để chờ xem lễ rước và đợi thời điểm lên làm lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.


Sáng sớm, rất đông du khách đã ngồi trên bãi cỏ theo dõi đoàn rước. Bà Lê Thị Hoa (Nam Định) cho biết, năm nay mấy người trong xóm tổ chức đi cùng, trước là thắp hương tưởng nhớ các vua Hùng, sau là cầu bình an cho gia đình.
Đúng 7h, lễ rước bắt đầu. Dẫn đầu là hai tiêu binh rước cờ Tổ quốc và cờ hội, tiêu binh rước vòng hoa với dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước". Trong tiếng nhạc rộn ràng, đoàn rước kiệu khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng.
Đúng 7h, lễ rước bắt đầu. Dẫn đầu là hai tiêu binh rước cờ Tổ quốc và cờ hội, tiêu binh rước vòng hoa với dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước". Trong tiếng nhạc rộn ràng, đoàn rước kiệu khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng.
100 thanh niên tượng trưng cho 100 con lạc cháu Hồng tay giương cao cờ Hội.
Đoàn rước kiệu, hương hoa, lễ vật dâng vua.
30 phút sau, đoàn rước kiệu đã lên đến điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã chính thức bắt đầu. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành dự buổi lễ.
30 phút sau, đoàn rước lên đến điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng bắt đầu, với sự tham dự của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Chủ lễ Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ hóa bài Chúc văn.
Sau đó, các đại biểu làm lễ dâng hương.
Qua giờ khai mạc, hàng nghìn người cùng đổ về khu trung tâm đền Hùng...
... và chen chân lên đền làm lễ.
Nhiều đồng bào dân tộc từ Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng cũng hội tụ về ngày lễ Giỗ Tổ.
Theo Ban quản lý di tích đền Hùng, năm nay có khoảng 3-4 triệu lượt người về dâng hương, làm lễ tưởng nhớ các vua Hùng. Việc bán hàng bằng loa gây ồn ào hay chặn đường chèo kéo khách cũng bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.
Ngày 17/4, lực lượng chức năng đã thu 4 loa đài, cắt điện 7 hộ kinh doanh vì cố ý làm sai quy định. Những trường hợp chặn khách, chèo kéo mua hàng thì kiên quyết rút giấy phép. Các trò chơi như phi tiêu, chiếc nón kỳ diệu trá hình, đồ chơi trong danh mục cấm nếu xuất hiện sẽ bị phạt nặng...

 

Bí quyết chụp ảnh độc đáo với các biểu tượng du lịch

Chụp ảnh các công trình biểu tượng vừa dễ, vừa thách thức vì dễ nhàm chán. 

Những biểu tượng du lịch như tháp Eiffeil, nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp tháp nghiêng Pisa ở Pisa, Italy luôn là chủ đề yêu thích của các nhiếp ảnh gia. Lý do đơn giản vì những công trình này rất đẹp, rất ấn tượng. Nhưng lý do lớn hơn là thách thức chụp được tấm ảnh đẹp của một nơi đã “cũ rích” trên phim ảnh. Hãy cùng tham khảo những bí kíp chụp ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để sở hữu một tấm ảnh cực độc, lạ về một nơi đã cũ! 

1. Tìm một góc chụp lạ 

Góc chụp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh. Bất cứ ai đến tháp nghiêng Pisa cũng chụp bức ảnh đỡ tháp và ai đặt chân tới Hollywood cũng có tấm ảnh ngọn đồi có biển tên trắng. Vì vậy, chẳng có bức ảnh nào thực sự ấn tượng. Để làm nên sự mới lạ cho một địa điểm đã được chụp ảnh đến “mòn”, hãy tìm tòi một góc ảnh khác. 

Bức ảnh chụp ngọn đồi Hollywood này là một ví dụ. Thay vì chụp từ đằng trước như mọi người thường làm, nhiếp ảnh gia chụp từ phía sau, điều này khiến người xem tò mò, và bật cười khi biết đây là nơi mình đã quá quen thuộc. 



2. Chọn tốc độ cửa trập chậm 

Để có những bức ảnh có chiều chuyển động, hãy sử dụng chế độ sập cửa trập chậm. Chẳng hạn trong bức ảnh này, để thể hiện sự chuyển động của những chiếc tàu điện nổi, biểu tượng của Hong Kong xưa, nhiếp ảnh gia đã giảm tốc độ cửa trập và đặt máy ảnh trên một vị trí cố định để bắt được khoảnh khắc tàu điện đi qua thành phố. 



3. Lùi lại một bước 

Thay vì đứng sát các biểu tượng của thành phố và chụp, hãy lùi lại một bước để lấy thêm nhiều phong cảnh. Chẳng hạn như trong bức ảnh chụp cầu cảng Sydney này. Hình ảnh cầu cảng được chụp trong màn sương sớm, với tiền cảnh là những tán cây của công viên cách đó không xa, tạo nên một vẻ lãng mạn khác hẳn với những bức ảnh thông thường. 



4. Chọn những bố cục lạ 

Bố cục độc đáo đòi hỏi thời gian suy nghĩ và sự tinh ý, nhưng hiệu quả của nó thì không gì bằng. Hãy tìm xem xung quanh biểu tượng kiến trúc, nghệ thuật của thành phố có các cửa kính lớn, các tòa nhà có độ phản chiếu lớn hay không để chụp bóng của biểu tượng trong đó thay vì chụp thẳng. Bức ảnh chụp nhà thờ lớn St.Augustine ở Arizona, Mỹ này độc đáo hơn rất nhiều vì “chớp” được hình ảnh nhà thờ in bóng lên cửa kính xe, với một bên là bé gái đang gối đầu lên tay, tạo cho bức ảnh nét tình cảm. 



5. Chụp lúc chạng vạng 

Đây là một trong những quy tắc cơ bản khi chụp ảnh, nhưng không phải ai cũng nhớ. Thời điểm chạng vạng là một trong những thời điểm ánh sáng đẹp nhất trong ngày bởi bầu trời chưa tối hẳn và thành phố thì đã lên đèn. Đặc biệt, trong ánh sáng buổi chạng vạng, các công trình có sự phản chiếu ánh sáng khác hẳn lúc ban ngày. 



6. Thêm các yếu tố xung quanh 

Thay vì chỉ chụp biểu tượng thành phố đứng trơ trọi một mình, hãy thêm vào bức ảnh những yếu tố mà bạn nghĩ có ảnh hưởng tới xúc cảm của người xem: sự tương phản, tương đồng, yếu tố hài hước… Chẳng hạn trong bức ảnh này, chủ đề chính là khu phố cổ ở London. Phía sau nó là tòa nhà Gherkin siêu hiện đại, làm nổi bật nét tương phản giữa cổ kính và hiện đại. 



7. Thêm người vào ảnh

Thêm người vào bức ảnh khiến cho bức ảnh dễ dàng truyền tải cảm xúc hơn tới người xem. Nhà thờ Savior ở St.Petersburg ở Nga đã lên ảnh tới hàng nghìn lần với những mái vòm xanh và tranh ghép sứ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn chụp được những đôi uyên ương tổ chức đám cưới tại đây. Hình ảnh này mang lại cho người xem một thông tin: nhà thờ là điểm tổ chức đám cưới yêu thích của giới trẻ Nga. 



8. Thêm yếu tố tiền cảnh ấn tượng 

Khi chụp các công trình biểu tượng của một thành phố, nên thêm một yếu tố tiền cảnh thật ấn tượng ở phía trước. Yếu tố này tạo cho người xem cảm giác chính họ đang đứng trước công trình ấy. Bức ảnh chụp nhà thờ Đức bà Paris này là một ví dụ điển hình. Thay vì chỉ chụp quang cảnh nhìn từ tháp chuông, nhiếp ảnh gia chụp thêm những con quái vật nhỏ có cánh nổi tiếng điểm xuyết trên tháp chuông nhà thờ Đức bà.



Theo Xzone

15 thành phố du lịch đắt đỏ nhất thế giới

Nếu có ý định ghé qua London, New York hay Paris, hãy chắc chắn bạn mang đủ tiền phòng thân, bởi chi phí ăn ở tại những nơi này được đánh giá là đắt nhất thế giới. 

15. London, Anh 

Giá khách sạn trung bình: 177 USD/ đêm. 



Du khách du lịch Châu Âu thường than vãn London là thành phố đắt đỏ. Mặc dù thời điểm này kinh tế của châu Âu đang suy thoái, nhưng báo cáo giá cả và thu nhập cho thấy, giữa năm 2009 và 2011, London đã leo từ vị trí thứ 21 đến vị trí 15 trong danh sách những địa điểm du lịch đắt nhất thế giới. Có nhiều cách để tiết kiệm ở Thủ đô của nước Anh, nhưng nơi để du khách mặc cả thường gói gọn trong những quán rượu tồi tàn và những khách sạng kém sang trọng. 

14. Thành phố New York, Mỹ 

Giá khách sạn trung bình: 251 USD/ đêm. 



Du lịch Mỹ với điểm đến thành phố New York được biết đến với những khu nhà sang trọng, những nhà hàng hào nhoáng, các cửa hàng cao cấp và các tụ điểm cuộc sống về đêm tinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế và sự sụt giảm giá trị của đồng đô la Mỹ đã đưa thành phố New York từ vị trí đắt đỏ thứ 6 xuống 14 trong 2 năm liên tiếp. Tuy nhiên, mặc dù giá cả đã giảm đáng kể, bạn cũng không nên vung tay quá trán. 

13. Luxembourg 

Giá khách sạn trung bình: 250 USD/ đêm. 



Luxembourg là một nước nhỏ nhưng hóa đơn ở đây không hề nhỏ chút nào. Nằm giữa Pháp, Bỉ và Đức, Luxembourg có diện tích 1.607 dặm vuông nổi bật với những lâu đài lãng mạn và những vườn nho xanh tươi. Tuy nhiên, thành phố đứng ở vị trí thứ 13 đắt đỏ trên bảng xếp hạng giá cả và thu nhập hứa hẹn sẽ lấy đi của bạn khá nhiều tiền. 

12. Paris, Pháp 

Giá khách sạn trung bình: 190 USD/ đêm. 



Giống như New York, kinh đô ánh sáng đã trải qua một sự giảm giá đáng kể trong hai năm qua. Năm 2009, trong bảng xếp hạng giá cả và thu nhập, Paris ở vị trí thứ 9, trong khi bản tóm tắt năm nay cho thấy thành phố đang nằm ở vị trí thứ 12. Nhưng trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch để tận hưởng chuyến du lịch, hãy nhớ rằng bạn vẫn phải đối mặt với tỷ giá hối đoái. Châu Âu có thể phải đối mặt với thời kỳ khó khăn, nhưng mệnh giá Euro vẫn cao. 

11. Vienna, Áo 

Giá khách sạn trung bình: 122 USD/ đêm. 



Không bị ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, thành phố Vienna vẫn thu về lợi nhuận từ du lịch. Mặc dù báo cáo giá cả và thu nhập cho thấy thủ đô của Áo giảm chi phí đáng kể so với năm 2009, khách du lịch sẽ khá vất vả để tìm những nơi giá rẻ, đặc biệt là phòng khách sạn. Trong thực tế, nhiều du khách trước đây khuyên bạn nên bỏ qua các khách sạn, thay vào đó nên chọn một căn hộ cho thuê. 

10. Singapore 

Giá khách sạn trung bình: 204 USD/ đêm. 



Trong khi Mỹ và châu Âu đang chiến đấu với một cuộc khủng hoảng kinh tế, Singapore chẳng hề hấn gì. Từng xếp thứ 24 trên bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ trong năm 2009, đến nay Singapore đã leo lên vị trí thứ 10. Sự phát triển này tương quan với sức mạnh ngày càng tăng của đồng đô la Singapore. Mặc dù bạn vẫn có thể tìm thấy giá đồ ăn rẻ và giá khách sạn phải chăng, nhưng đừng nên hy vọng quá nhiều. 

9. Toronto, Canada 

Giá khách sạn trung bình: 133 USD/ đêm. 



Toronto là địa điểm gần biên giới phía bắc Mỹ. Tận dụng được vị trí địa lí thuận lợi này, đồng tiền ở đây không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái. Đồng đô la Canada vài năm gần đây xấp xỉ với đồng đô la Mỹ. Toronto là một ví dụ điển hình. Từ năm 2009, đô thị này đã tăng từ vị trí thứ 31 đến vị trí thứ 9 trên danh sách những thành phố đắt đỏ nhất. 

8. Helsinki, Phần Lan 

Giá khách sạn trung bình: 163 USD/ đêm. 



Cho đến nay, Helsinki vẫn tương đối nguyên vẹn sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu, và kịp ghi tên mình ở vị trí thứ 8 trên bản báo cáo giá cả và thu nhập báo cáo địa điểm đắt tiền. Tuy nhiên, suy thoái có thể cuối cùng đã tới Phần Lan. Điều này có nghĩa rằng các du khách có nhiều cơ hội đến thành phố năng động này hơn. 

7. Sydney, Australia 

Giá khách sạn trung bình: 172 USD/đêm. 



Trong năm 2009, Sydney xếp hạng 38 trong bản báo cáo những thành phố đắt đỏ. Kể từ đó, thành phố đã tăng vọt lên vị trí thứ 7, và đó là một phần do sự gia tăng ổn định trong giá trị đồng đô la Úc. Bằng chứng sự đắt đỏ rõ ràng nhất là giá phòng và giá menu. 

6. Tokyo, Nhật Bản 

Giá khách sạn trung bình: 163 USD một đêm. 



Ánh sáng của thủ đô Tokyo được ví như những hóa đơn sáng bóng. Giống như Singapore, Nhật Bản đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khá tốt trong hai năm, trên bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ, Tokyo chỉ giảm 1 bậc. Mặc dù du khách có thể tìm thấy các món ăn địa phương giá cả phải chăng, nhưng một khách sạn tốt sẽ khiến bạn choáng vì giá cả. Năm 2011 trận động đất và sóng thần không ảnh hưởng gì đến giá cả trong năm 2012 và 2013. 

5. Stockholm, Thụy Điển 

Giá khách sạn trung bình: 190 USD/ đêm. 



Không giống như các nước láng giềng, Phần Lan, Thụy Điển bị ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế của châu Âu. Nền kinh tế mạnh của Stockholm đã không chỉ cho phép đất nước này vượt qua cơn khó khăn, mà còn tăng từ vị trí số 16 trong năm 2009 đến vị trí thứ 5 diễn ra trong bảng xếp hạng Giá cả và Thu nhập trong danh sách các thành phố đắt đỏ. 

4. Copenhagen, Đan Mạch 

Giá khách sạn trung bình: 174 USD/ đêm. 



Giống như Helsinki, mức giá của Copenhagen đã không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế châu Âu. Giá cả và lợi nhuận báo cáo gần đây nhất cho thấy rằng thủ đô của Đan Mạch giảm chỉ có một nơi. Vì vậy, trong khi bạn có thể tìm thấy các cửa hàng đồ cổ của thành phố này, nhà hàng và quán cà phê ấm cúng thân mật, thì cái ví của bạn cũng sẽ phải chi ra sốt tiền không nhỏ. Du khách sẽ phải chi cao nhất trong những tháng mùa hè bởi đó là thời tiết lý tưởng để ngắm cảnh. Vào mùa đông sẽ có một mùa giảm giá, nhưng không đáng kể. 

3. Geneva, Thụy Sĩ 

Giá khách sạn trung bình: 268 USD/đêm. 



Thụy Sĩ dường như không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế suy thoái, minh chứng là thành phố Geneva đã vượt mặt Copenhagen để đứng vị trí thứ 3 trong 2 năm qua. Không giống đồng Euro, đồng Franc Thụy Sĩ vẫn còn giá trị cao trong suốt cuộc suy thoái, và các cư dân của thành phố được hưởng lợi từ tiền lương hậu hĩnh. Trong thực tế, Thụy Sĩ trả lương cao nhất thế giới, giá của Geneva phản ánh sức mua khổng lồ của người dân. 

2. Zurich, Thụy Sĩ 

Giá khách sạn trung bình: 224 USD/ đêm. 



Mức lương trung bình ở Thụy Sĩ khá cao, vì vậy cư dân Zurich cũng chào đón du khách bằng các hóa đơn cắt cổ. Thật không may cho du khách, Zurich không có nhiều chương trình khuyến mại. Giá cả nhảy vọt trong mùa hè khi du khách đổ về thành phố này để tận hưởng nhiệt độ thoải mái và các hoạt động thú vị trên hồ. Trong suốt mùa đông cũng không có đợt phá giá nào, tiết trời lạnh thu hút du khách đến khu trượt tuyết Alps gần đó. Giá sụt giảm một thời gian ngắn vào mùa xuân và mùa thu, nhưng không nhiều. 

1. Oslo, Na Uy 

Giá khách sạn trung bình: 169 USD/đêm. 



Osla nằm trong top những thành phố đắt đỏ nhưng ít ra giá cả vẫn dễ chịu hơn các thành phố khác. Thủ đô của Na Uy đã được xếp đầu bảng trong báo cáo giá cả và thu nhập kể từ năm 2006. Không chỉ giá cả khách sạn cao, trong năm 2009, tờ New York Times lưu ý rằng một chai nước ở Oslo có giá 6 USD. Chiến thuật tiết kiệm tiền - như du lịch trong tháng Bảy hoặc tháng Tám khi hầu hết người dân đang đi nghỉ - cũng không làm hạn chế các chi phí của một chuyến du lịch đến Oslo.
 

© Copyright Cuộc sống tươi đẹp ! . All Rights Reserved.

Designed by TemplateWorld and sponsored by SmashingMagazine

Blogger Template created by Deluxe Templates